Du lịch Bolivia - Bolivia có gì mà đi du lịch?

Bolivia có gì mà đi du lịch?

Có người bạn của mình thắc mắc Bolivia là nước nghèo ở Nam Mỹ, lại thấy hay biểu tình, ngoại trừ thủ đô hành pháp La Paz nổi tiếng ở độ cao 3700m thì có gì để mà đến du lịch. Vậy là mình gửi cho xem các bức ảnh mình chụp, nhân tiện chia sẻ luôn kinh nghiệm đi Bolivia 7 ngày trong T5/2022 với mọi người.

📌Visa: Bolivia có chính sách VOA cho hộ chiếu Việt Nam, nhưng chi phí khá cao 100$/ng tại cửa khẩu. Tuy nhiên hộ chiếu Việt Nam lại nằm trong nhóm các nước có thể xin visa miễn phí tại các ĐSQ, LSQ. Do mình đi từ Peru sang nên mình đã xin visa tại LSQ ở thành phố Cusco, mặc dù miễn phí nhưng lịch trình mình làm quá chi tiết "không đúng với form" nên mình nhờ nhân viên LSQ "hỗ trợ" luôn. Dù làm ở đâu thì các bạn cũng phải đăng ký online tại website BNG portalmre.rree. bo, các bạn chưa tiêm sốt vàng da thì khi chọn điểm đến nhớ chọn mục "others" nếu các bạn không đi vào các vùng gần Amazon hay các vùng WHO khuyến cáo phải có tiêm sốt vàng da.

📌Đường bay: Mình bay từ Peru sang bằng Latam Airlines, từ Việt Nam thì bay Turkish Airlines và Copa Airlines sang Peru chơi 1 tuần rồi mới sang Bolivia. Các bạn có thể đi từ Peru sang Bolivia bằng bus sẽ tiện tham quan hồ Titicaca nhưng mình đi thời điểm đó dịch vụ bus liên quốc gia chưa được mở lại nên phải bay.

📌Tiền tệ: Bolivia dùng đồng Boliviano, 1 BOB = 0,12 - 0,14 USD, trong hành trình mình đặt hết khách sạn và tour từ trước bằng paypal và thẻ nên chỉ đổi một ít tiền ở ngay downtown La Paz luôn, không quan tâm tỷ giá lắm.

📌Thời tiết: mình đi vào tháng 5/2022 thời tiết khá lạnh và khô ở La Paz, Uyuni từ -3*-15*C, riêng khu vực cao nguyên Potosi - Cold desert ban đêm có thể tới -13*C.
Vấn đề lớn nhất khi đến Bolivia chính là AMS - say độ cao do La Paz, Uyuni đều ở độ cao 3700m, đi tiếp lên Cold desert tới điểm cao nhất là 4930m. Nếu gặp chứng say độ cao thì các bạn phải dự phòng thêm 1-2 ngày cho cơ thể có thể thích nghi.

📌An toàn: ở thủ đô La Paz thì downtown khá nhộn nhạo giống các khu chợ buôn bán ở HN hay SG, do vậy mình ko thấy có vấn đề gì, mình ở khách sạn gần San Francisco plaza luôn nên toàn đi bộ xung quanh khu vực này. Tuy nhiên khu vực El Alto thì rất nguy hiểm, nếu đi lang thang ở đây 1 mình có thể chỉ còn "đúng cái nịt" theo nghĩa đen, khu chợ trung tâm của El Alto thì rất đông nên mình nghĩ ban ngày ko có vấn đề gì.
Uyuni thì là thị trấn du lịch rồi nên an toàn hơn.

📌Ăn uống: nói chung đồ ăn Bolivia khá giống với Peru mặc dù cách thức chế biến bình dân hơn, các món ăn chủ yếu là thịt Llama/Alpaca, Anticucho - Tim nướng, hạt quinoa, một số món soup các dân tộc xung quanh dãy Andes, dân Bolivia rất thích ăn gà rán nên có rất nhiều chuỗi gà rán địa phương ở đây, nổi tiếng nhất là Pollos Copacabana, rất tiện cho việc ăn nhanh.

📌Di chuyển : Nội đô La Paz có uber nhưng mình không có cơ hội dùng vì chỉ chơi ở downtown, còn khi đi dạo ngắm thành phố thì dùng hệ thống cáp treo Telefrico nổi tiếng của La Paz, định hướng để đi cáp treo cũng giống như hệ thống mạng lưới tàu điện ngầm ở các nước khác nên bạn nào quen rồi thì rất dễ dàng. 
Đi tới Uyuni các bạn có thể bay hoặc bus đêm, nếu đi theo nhóm thì các bạn có thể ra bến bus mua vé các hãng Transtiticaca, Panasur, Trans Omar, Cruz del Norte khá rẻ nhưng nhộn nhạo , chỉ nói tiếng TBN. Mình đi theo dạng cặp đôi, ưu tiên vấn đề an toàn nên đi hãng Todo Turismo, có thể đặt online, hỗ trợ qua whatsapp, nhân viên nói tiếng Anh, đổi 2 ca lái xe và phụ xe nên rất an toàn. Lưu ý các bạn là chất lượng lái xe nói chung ở Bolivia rất kém, nhiều vụ lái xe say rượu hay stress quá mức gây ra tại nạn không khác gì các vụ tai nạn xe khách đêm ở Việt Nam.

📌Lịch trình cụ thể: mình chỉ dành 7 ngày ở Bolivia nên đi La Paz 2 ngày - Uyuni 3 ngày - Tiwanaku 1 ngày - La Paz 1 ngày. Nếu có thể các bạn nên dành thêm 1-2 ngày đi hồ Titicaca và Copacabana hoặc các khu vực gần Amazon.

📍Ngày 1: Nhập cảnh, lang thang La Paz
Bay đến La Paz, nhập cảnh rất nhanh do đã có visa nhưng phải qua khâu kiểm tra chứng nhận tiêm Covid, mình cũng không gặp AMS ngay từ bên Peru nhưng ngày cuối leo núi ở Cusco phê quá, về đến Cusco là bay luôn nên 1h sáng hạ cánh rồi phi về khách sạn ngủ luôn 1 mạch đến trưa hôm sau, bỏ luôn lịch đi Titicaca.
Chiều: lang thang downtown, Plaza Mayor de San Francisco, Plaza Murillo, Cathedral Basilica of Our Lady of Peace.
Đi Telefrico - cáp treo khắp La Paz, mình xuất phát từ downtown với line Tím, chuyển các line Ghi-Đỏ-Cam-Trắng-Xanh dương 1 vòng để quay lại downtown. Nếu không có thời gian thì các bạn đi line Đỏ sẽ có view toàn cảnh đẹp nhất, nhưng lưu ý là điểm kết thúc line Đỏ chính là El Alto, hãy cẩn thận nếu đi lẻ ra khỏi bến.
🔺Khách sạn: Patio de Piedra, đây là một khách sạn boutique rất đẹp và yên tĩnh ở downtown bên trong 1 tòa nhà cổ 300 năm tuổi, anh chàng manager rất tử tế và hiếu khách, mình đến/đi toàn vào các khung giờ oái oăm nhưng luôn niềm nở.
🔺Ăn uống: Pollos Copacabana - gà rán phong cách Bolivia

📍Ngày 2: Lang thang La Paz - Đi Uyuni
Sáng: đi The Witches' Market - chợ truyền thống bán các đồ tâm linh của người Bolivia, ở đây bạn có thể tìm được các đồ len Llama/Alpaca rất đẹp hay những xác Llama khô mà người dân Bolivia hay dùng để chôn xuống nền nhà trừ tà ma, trầm hương, thuốc dân tộc,…
Chiều: Basilica Menor de San Francisco, Museo San Francisco - nhà thờ và bảo tàng lịch sử thánh Francis, nơi có thể tìm hiều về lịch sử hình thành của La Paz - Our Lady of Peace.
Tối: tới văn phòng Todo Turismo để đi Uyuni lúc 9h
🔺Khách sạn: Patio de Piedra
🔺Ăn uống: Pollos Copacabana, Saltena/Empanada - món bánh giống bánh gối Việt Nam có nhân là thịt gà xay, phô mai, khoai tây nghiền, bữa tối trên xe Todo Turismo bao gồm trong vé.

📍Ngày 3: Uyuni - đặt landtour qua Joker Expedition (mình liên hệ với 3 cty landtour là Red Planet, Andes Salt và Joker rồi quyết định chọn Joker vì cảm thấy sự nhiệt tình trong giao tiếp của ông chủ) hoặc các bạn đến Uyuni rồi chọn agency cũng được, hơn 200 cty ở đây.

Sáng: 7h đến Uyuni, Jose - ông chủ Joker Expedition cũng là chủ khách sạn muối Atipax đón ở bến xe về khách sạn, nhận phòng nghỉ ngơi, ăn sáng và 10h khởi hành đi Salar de Uyuni - Cánh đồng muối. Guide của mình là Alvaro nói tiếng Anh rất tốt, bác lái xe cũng là chủ 1 chiếc xe Land Rover rất mới, sạch sẽ và bảo quản tốt. Hành trình bắt đầu bằng chuyến đi đến mỏ muối Colchani, xem cách người dân ở đây thu hoạch và sản xuất muối, nghĩa trang tàu hỏa. Sau đó tiếp tục hành trình chính vào khu vực sa mạc khô, chạy thẳng tới Incahuasi - Đảo xương rồng, trên đường có dừng lại một số điểm như khách sạn muối đầu tiên Palacio de Sal và Flags island nơi các khách du lịch cắm cờ của quốc gia mình. 

Salar de Uyuni được hình thành từ hồ nước mặn Minchin cách đây 40.000 năm, ở cao nguyên Potosi ko có cửa thoát nước nên nước chỉ bốc hơi qua hàng chục nghìn năm hình thành nên lớp muối dày hàng mét với đầy khoáng chất như Lithium, Natri, Magie,… Hàng năm đến mùa mưa, nước từ hồ Titicaca lại tràn về đây tạo nên một lớp nước từ 30cm đến 1,2m biến Salar de Uyuni thành một tấm gương lớn nhất thế giới phản chiếu lại bầu trời. Salar de Uyuni gắn liền với truyền thuyết về núi lửa Tunupa nên nhiều người muốn đổi lại tên thành Salar de Tunupa thay vì chọn Uyuni - thị trấn bên cạnh cánh đồng muối.

Nằm gần trung tâm Salar de Uyuni là hòn đảo Incahuasi - "House of Inca" nổi tiếng với những cây xương rồng vài trăm năm tuổi. Do khí hậu khô hạn nên mỗi năm xương rồng chỉ cao lên 1-2cm, cây xương rồng từng lâu đời nhất ở đây 1200 tuổi nhưng đã bị đổ, hiện nay cây cổ nhất chỉ còn khoảng… 900 tuổi mà thôi. 

Đến Salar de Uyuni mùa nào là cả một vấn đề phải tính toán, vào mùa khô thì lớp muối trên bề mặt tạo thành các hình đa giác rất đẹp nhưng lại ko có hiệu ứng mặt gương, còn vào mùa mưa 10.600 km2 mặt nước vô cùng tuyệt vời nhưng lại ko thể đến được đảo Incahuasi do xung quanh ngập nước rất sâu, tuyến đường từ thủ đô La Paz đi Uyuni cũng có nguy cơ sạt lở vào mùa mưa. Có một khoảng thời gian mà các công ty du lịch tại Uyuni ít chia sẻ với khách là từ cuối tháng 4 đến đầu tháng 5, sau khi mùa mưa kết thúc, đa phần lớp muối bề mặt đã khô để hình thành các đa giác muối và di chuyển được trên toàn khu vực nhưng còn 1 khu vực ở phía Nam thường được gọi là "The Shore" có địa hình thấp hơn nên vẫn còn lớp nước mặt dày 10-20cm đủ để tạo hiệu ứng mặt gương. Thông thường các tour ở Uyuni không đến đây vì không tiện đường, do vậy các lái xe thường bảo rằng muối đã khô hết rồi. Trên đường đi Alvaro - anh chàng guide rất thú vị bảo "bọn mày chọn thời gian chuẩn đấy, có thể chứng kiến đủ sắc thái của cánh đồng muối, khô có, Incahuasi có, nước có. Nhiều người phải đến đây 2 lần mới đi đủ đấy". Tất nhiên rồi, bọn tao travel "smart" chứ ko travel "nát" mà.

Salar de Uyuni là một trong những nơi ngắm dải Ngân hà đẹp nhất thế giới bởi không bị ô nhiễm ánh sáng, trời trong và khô nhưng đầy nguy hiểm vào ban đêm nếu bị mất phương hướng giữa "sa mạc" muối trong khi nhiệt độ có thể đạt -9*C. Tuyệt vời nhất là mặt nước phản chiếu bầu trời hiếm ở đâu có thể có được, tiếc là mình đến đây trước rằm 5 ngày nên bị ánh trăng hơi sáng ko nhìn thấy trọn vẹn dải Ngân hà, nếu có dịp quay trở lại nhất định phải chọn ngày trăng non.
🔺Khách sạn: Atipax tại Uyuni
🔺Ăn uống: ăn trưa chuẩn bị trước, giữ ấm trên xe gồm sườn bò nướng, củ quả luộc, khoai lang luộc, hạt quinoa nấu thay cơm. Ăn tối tại khách sạn với các món Nam Mỹ đặc trưng.

📍Ngày 4: Uyuni - Cold desert - Sa mạc lạnh, các hồ Canapa, Hedionda, Chiarkota, Honda, Ramadita, địa nhiệt Sol de Manana
Sáng: 8h khởi hành từ Uyuni qua thị trấn San Cristobal, nơi 100% nam giới là công nhân mỏ cho một công ty Nhật Bản, công ty này đã di dời toàn bộ thị trấn nguyên vẹn kể cả nhà thờ sang vị trí khác để có thể khai thác mỏ. Hành trình tiếp tục tới các vùng hồ mà dân du lịch hay gọi đơn giản dựa trên các màu sắc của nước được tạo nên do khoáng chất hoặc tảo. Các hồ này là nơi lưu trú của rất nhiều hồng hạc. 

Có 6 chủng hồng hạc trên thế giới thì tận 3 chủng cư ngụ ở cao nguyên Bolivia: James hay còn gọi bằng tiếng địa phương "jututu", Chilean - "tokoko", Andean - "chururu". Nếu quan sát từ xa thì khó phân biệt 3 chủng này nhưng nghe chúng kêu thì sẽ biết chúng thuộc chủng nào. "Jututu", "tokoko", "chururu" là cách mỗi chủng phát ra tiếng kêu, do vậy người địa phương dùng luôn âm thanh này để đặt tên cho mỗi chủng. Hồng hạc ở Bolivia ko có màu hồng đậm như ở Bahamas vì khác nhau về thức ăn. Hồng hạc sinh ra chưa có màu hồng mà chỉ có màu xám, trong quá trình trưởng thành hấp thụ các lại thức ăn chứa canthaxanthin nên mới chuyển màu. Hồng hạc cư trú ở các hồ trên cao nguyên Bolivia, nước và sinh vật ở các hồ này rất độc với con người, nhưng với cấu tạo cơ thể hồng hạc thì không có vấn đề gì. Mùa làm tổ của hồng hạc vào cuối năm, ở Laguna Colorada - hồ nước có màu đỏ đậm - có thể tập hợp hàng vạn con hồng hạc. Vào mùa đông, số ít hồng hạc vẫn sống ở cao nguyên Bolivia do có nhiều hồ nước nóng bởi hệ thống địa nhiệt tự nhiên.

Ngoài ra trên hành trình các bạn còn có thể gặp nhiều loài động vật bản địa, nổi bật nhất là lạc đà không bướu, Bolivia có 3 loại: 
- Llama: đây là giống lạc đà đã được thuần hoá, nuôi để lấy lông, thồ hàng và lấy thịt. Mỗi con cung cấp 800-1.100 gram lông.
- Alpaca: tương tự như Llama nhưng nhỏ hơn, do vậy ko được sử dụng để thồ hàng, nhưng lớp lông rất dày, có thể cho 2,1kg lông. Ngoài kích thước và lớp lông thì để phân biệt, Llama có mũi và tai dài hơn Alpaca.
Nuôi Llama và Alpaca khá đơn giản do chúng vẫn thừa hưởng tập tính của loài lạc đà không bướu, tự đi kiếm ăn và nước uống trong bán kính hơn 20km và có thể tự tìm đường về nhà. Cái khó khi nuôi hoang như vậy là phân biệt các đàn giữa các trang trại cùng làng, do vậy chúng thường đc cho đeo vòng cổ, khuyên tai màu sắc để chủ dễ phân biệt
- Vicuna: giống lạc đà hoang dã nhỏ hơn sống tại cao nguyên Bolivia, thuộc danh sách bảo tồn của chính phủ. Mỗi con chỉ cung cấp khoảng 200 gram lông, do vậy 1 chiếc khăn len làm từ lông Vicuna bán chui ở thị trường chợ đen có thể lên tới 400$. Đi xuyên các hoang mạc ở Bolivia, ko hiếm thấy các đàn Vicuna đi lang thang. Chúng rất cảnh giác với mọi hoạt động xung quanh, đàn lớn nhất mình gặp hơn 20 con với 1 con alpha đầu đàn luôn dè chừng mình từ 40-50m (tai cụp ra sau và theo dõi mọi hành động). Cũng có khi gặp đàn nhỏ hơn 5-6 con, có lẽ là một gia đình, tập tính của đàn này cũng giống như các loài động vật sinh sống theo đàn hoang dã khác: khi di chuyển bao giờ con đực khoẻ nhất cũng đi đầu cách khoảng 20m, 1 con đực khác khoá đuôi trong khi các con non và con cái di chuyển giữa đàn. 

Nhìn hoang mạc khô cằn như vậy nhưng ở đây ko thiếu các loài động vật, mình đã gặp:
- Lạc đà Vicuna, Llama, Alpaca
- Thỏ núi đá
- Ngỗng Andean, giống ngỗng sống thành đôi như thiên nga.
- Hồng hạc James, Chilean, Andean
- Đà điểu 
- Gà, giống gà sống hoang dã ở giữa hoang mạc mới ghê, chạy rất nhanh
- Hải âu
Thấy bảo còn có cáo núi và đại bàng mà mình ko có duyên gặp.

Sau hành trình dài cả ngày thì tối mình về làng Huayllajara để nghỉ đêm, ở đây không có khách sạn mà chỉ có các lodge với tiện nghi cơ bản, mặc dù đặt phòng có nước nóng và sưởi nhưng sưởi chỉ được đến 9h tối, nước nóng thì không thể gọi là ấm, những điều này đã được Jose cảnh bảo trước và chuẩn bị cả túi ngủ trong trường hợp quá lạnh. Đêm đó nhiệt độ -13*C, trước khi đi ngủ mình có ngồi nói chuyện với vài người ở lodge thì biết rằng chỉ mấy hôm trước người ta tìm thấy hàng chục cái xác chết cóng ở hoang mạc, họ đều là những người Venezuela tìm đường vượt biên sang Chile.

🔺Khách sạn: Lodge in Huayllajara
🔺Ăn uống: bữa trưa chuẩn bị trước với thịt bò humberger, củ quả luộc, hạt quinoa, ăn tối tại lodge với spaghetti

📍Ngày 5: Salar de Chalviri, Dali desert - Uyuni

Sáng ngủ dậy trời vẫn rất lạnh và buốt -13*C nên mình ko thử tắm khoáng nóng địa nhiệt, thấy mấy bạn Tây khỏe mà hâm mộ. Sau khi ăn sáng thì hành trình tiếp tục tới Dali desert cách làng tầm 30p lái xe, đây được gọi là sa mạc Dali vì khung cảnh rất giống với bức tranh của danh họa Savador Dali mặc dù ông chưa từng tới đây. 

❗️Đang đứng chụp ảnh thì một sự kiện bất ngờ xảy đến, một đoàn 5 xe cùng đến, mình thấy khách 1 xe hớt hải chạy tới các xe còn lại, hóa ra là để mượn bình oxy cho một khách bị AMS nặng. Và bất ngờ là cả 5 xe đều không có bình oxy trên xe mặc dù trong đây là trang bị cơ bản bao gồm trong tất cả các báo giá tour ở Uyuni. Chỉ duy nhất xe mình có, mình có qua xem thì khách bị AMS là một phụ nữ châu Âu, giải pháp là phải hạ độ cao càng sớm càng tốt nhưng trên xe lại có 3 khách tiếp tục đi tới biên giới Chile, thay vì chọn giải pháp cấp cứu thì họ lại khăng khăng tiếp tục theo lịch trình. Alvaro bảo mình "tao biết xe này của công ty nào, bây giờ muốn hỏi ý kiến mày về việc cho họ mượn bình oxy trên quãng đường còn lại, chỉ mày có thể quyết định vì nó là trang bị mà mày đã thuê". Mình đồng ý và gom hết các loại thuốc, kẹo từ lá coca cho bà khách kia với hy vọng sẽ không có chuyển biến tệ hơn nữa. Sau sự kiện này, mình khuyên chân thành các bạn khi đi tour ở Uyuni đừng chọn những bản chào giá rẻ nhất mà hãy chuẩn bị tốt nhất cho mọi rủi ro trên hành trình, giá cả chỉ chênh nhau 10-20$ thôi nhưng khi xảy ra sự cố thì rất đáng tiếc.

Đến lúc các xe chia tay nhau thì cũng mất hơn 1 tiếng so với kế hoạch ban đầu, Alvaro bảo mình nếu tiếp tục đi tới Laguna Verde thì sẽ muộn về Uyuni nên mình có 2 sự lựa chọn, đi tiếp theo lịch trình và tăng tốc hoặc rẽ đường khác tới một Laguna ẩn ít khách du lịch đến đây. Mình chọn phương án 2 và không hề thất vọng, cảnh quan vô cùng đẹp và thanh bình, hồ nước ẩn dưới một hẻm vực phải đi bộ qua một khe núi mới vào được.

Sau hành trình dài trở về Uyuni thì Jose đã chuẩn bị sẵn phòng khách sạn với nước nóng, ăn tối nhanh trước khi đưa mình ra bến xe bắt Todo Turismo về lại La Paz. Sau chuyến đi, mình rất rất đề xuất Joker Expedition và Jose cho hành trình ở Uyuni, mọi thứ đều được chuẩn bị cẩn thận, phòng khách sạn luôn sẵn sàng với đầy đủ tiện nghi thay vì vạ vật ở bến xe hay văn phòng agency như các công ty landtour khác.
🔺Khách sạn: Atipax
🔺Ăn uống: cũng giống ngày hôm trước

📍Ngày 6: La Paz - Tiwanaku/Pumapunku - La Paz
5h sáng xe về đến La Paz, mình đi bộ về khách sạn Patio de Piedra cách đó 15p và chuẩn bị cho chuyến đi tới Tiwanaku - trung tâm tôn giáo cổ xưa nhất của Nam Mỹ. Mình đặt guide trên toursbylocals một anh chàng tên Fabian, sau khi trao đổi email thì Fabian thấy mình có đam mê lịch sử và khảo cổ nên bảo sẽ mời giáo sư Javier - người dẫn đầu đoàn khảo cổ năm 2008 ở Tiwanaku và Pumapunku đi cùng. 

Đến Bolivia nhiều người sẽ đi hồ Titicaca với truyền thuyết là nơi sinh ra nền văn minh Inca. Đúng Titicaca từ thời cổ đại là nơi phát tích tôn giáo của cả Nam Mỹ mà sau này người Inca hấp thụ, nhưng Tiwanaku - di tích nằm giữa La Paz và Titicaca - mới là nơi phát triển nó thành trung tâm tôn giáo của Nam Mỹ gần 1000 năm trước văn minh Inca. Tiwanaku không phải là một nền văn minh riêng biệt mà nó là địa điểm của các dân tộc Nam Mỹ tập trung lại dưới sự lãnh đạo của các tăng lữ thờ phụng Viracocha - thần kiến tạo ra vạn vật và Pachamama - thần đất mẹ, vào thời cực thịnh của mình, Tiwanaku có tới 10.000 dân với nhiều sắc tộc cùng chung tôn giáo. Tầng lớp cao nhất ở Tiwanaku là các tăng lữ, rồi đến quý tộc và thợ đá, hàng năm các tăng lữ đi khắp Nam Mỹ truyền bá tôn giáo và các dân tộc khác hành hương đến đây mang theo nhiều lễ vật.

Di tích Tiwanaku là nơi đặt Kim tự tháp Akapana - ktt đầu tiên ở Nam Mỹ, đền thờ Kalasasaya - đền thờ duy nhất có một nửa chìm dưới mặt đất (để thờ thần đất mẹ) với cây cột đá Pachamama lớn nhất, cổ xưa nhất lịch sử (hiện nằm trong bảo tàng Tiwanaku - cấm chụp ảnh). Nổi bật nhất là Cánh cổng Mặt trời - Gateway of the Sun bí ẩn được phỏng đoán mô tả lịch thiên văn của người cổ đại và là một phần của một công trình bí ẩn chưa được giải đáp, có nhiều truyền thuyết cho rằng đây là cánh cổng dẫn tới một không gian khác. Đến Tiwanaku và di tích Pumapunku bên cạnh mới thấy sự tinh xảo trong việc chế tác đá xây dựng: những khung cửa thẳng tuyệt đối, các mối ghép đá khít đến nỗi ko đút được tờ giấy,… Chỉ tiếc là thời gian và chính những tín đồ ở Tiwanaku đã tàn phá những công trình ở đây tới mức không thể khôi phục. Trong 30 năm cuối cùng của nền văn minh Tiwanaku xảy ra 2 lần nhật thực toàn phần khiến những tín đồ mông muội cảm thấy sợ hãi, ko còn tin tưởng vào các tăng lữ, họ đập phá Tiwanaku và di tản ra khắp Nam Mỹ.

Sau khi kết thúc ở Tiwanaku, Fabian và Xavier đưa mình qua trung tâm El Alto trải nghiệm các hoạt động sinh hoạt ở đây rồi mớ về khách sạn.
🔺Khách sạn: Patio de Piedra
🔺Ăn uống: ăn trưa tại một nhà hàng địa phương gần Tiwanaku với món Llama steak, cách chế biến không ngon như mình từng ăn ở Cusco, Peru nên buổi tối mình đặt bàn tại Banais - một nhà hàng bên hông nhà thờ San Francisco khá có tiếng với các món Llama steal, Anticucho.

📍Ngày 7: La Paz: các bảo tàng - Mexico

Ngày cuối mình dành thời gian đi các bảo tàng ở La Paz.
Ethnography Museum MUSEF: một bảo tàng rất đa dạng về lịch sử, tự nhiên, văn hóa của Bolivia, lưu ý là Chủ nhật chỉ mở cửa tới 13:30, mình không để ý điều này nên chỉ dành được 2 tiếng ở bảo tàng
National museum of Art: bảo tàng nghệ thuật quốc gia bên trong một công trình hơn 300 năm, hôm mình đi có triển lãm nhiếp ảnh đương đại chủ đề Mama Plastic.
Bảo tàng lá Coca: một bảo tàng tư nhân trưng bày lịch sử và các thông tin về lá coca, tới đây mỗi người sẽ đc ăn thử kẹo làm từ lá coca nguyên chất, "phê" hơn kẹo bán ngoài chợ nhiều.

Sau cả ngày lang thang các bảo tàng thì lên đường ra sân bay tiếp tục đi Mexico, buổi tối mình định liều đến El Alto xem đấu vật nữ Cholitas Wrestling mà không kịp.
🔺Khách sạn: Patio de Piedra
🔺Ăn uống: Pollos Copacabana

Sau chuyến đi mình thấy nếu đi trọn vẹn các điểm đặc trưng nhất ở Bolivia thì các bạn nên dành 8-10 ngày, nếu đi thêm vùng Amazon thì phải từ 11-13 ngày. Mọi chi phí ở Bolivia khá rẻ, cảnh quan thì hoang sơ nhưng đậm văn hóa.

Đăng nhận xét

Mới hơn Cũ hơn