Kinh nghiệm xin visa on arrival vào Namibia

Kinh nghiệm xin visa on arrival vào Namibia

Mặc dù thông tin hộ chiếu Việt Nam được phép xin visa on arrival của Namibia có thể dễ dàng tìm thấy trên mạng, nhưng rút kinh nghiệm lần nhập cảnh Georgia (link: https://vuenglishclass.blogspot.com/2022/01/travel-georgia-2019.html), tôi vẫn cẩn thận email cho đại sứ quán Namibia đề nghị xác nhận lại thông tin. 

Đầu tiên tìm được email của Namibian embassy ở Thụy Điển. Email hỏi, không hồi âm. Email tiếp embassy ở US, rồi UK - đều biệt vô âm tín. Không bỏ cuộc, tôi tìm được thêm email của embassy ở Trung Quốc thì nhận được hồi âm ngay hôm sau, xác nhận hộ chiếu Việt Nam được phép xin visa on arrival nhưng chỉ duy nhất tại sân bay ở thủ đô Windhoek - perfect do tour của tôi bay từ Johannesburg (Nam Phi) sang đúng sân bay này.

Sứ quán bên Trung Quốc dù xác nhận nhưng vẫn nèo thêm mời chào để dụ tôi apply pre-arrival visa qua họ, kiểu muốn đi đường bộ, tự drive, ngắm nhiều cảnh đẹp hơn thì nên xin trước visa v.v... Tuy nhiên phí visa khá chát: xử lý 5 ngày tính phí 900 tệ - 3 triệu, xử lý cấp tốc 3 ngày 1400 tệ - 4.5 triệu, chưa kể phí gửi lại hộ chiếu là 150 tệ - 500k, lại còn đòi hỏi cả đống giấy tờ lằng nhằng như thư mời, bảo hiểm và xác nhận chưa phạm tôi hình sự - toàn những thứ mà khi xin on arrival chả ai hỏi, kèm theo rủi ro gửi qua gửi lại giấy tờ v.v... 

Tôi đoán là thời gian qua Tung Của bị hạn chế Covid gắt gao quá nên sứ quán cũng đói, do đó họ nhiệt tình mời mọc và cung cấp thông tin lắm. Sứ quán ở mấy nước phát triển mà tôi liên lạc trước thì ko chẳng thèm quan tâm luôn.

Ngày đi, tôi in ra cái email xác nhận của sứ quán, highlight phần quan trọng nhất (xem hình 1), kèm theo cả danh sách các quốc gia được xin visa on arrival vào Namibia lấy từ website của sứ quán ở UK. Lên máy bay từ Việt Nam, mặc dù lịch trình có ghi rõ sẽ đến cả Namibia, nhưng ko ai hỏi han gì. Khi check in tại Johannesburg, nhân viên hàng không cũng ko hề đả động gì đến vấn đề visa. Tôi bụng bảo dạ: ơ thế hóa ra, công chuẩn bị là công cốc à? 

Trời ko phụ lòng người tại cửa boarding. Xếp hàng chuẩn bị đến lượt scan boarding pass thì thấy nhân viên hỏi hai cô đi ngay đằng trước: "Do you have a letter from the embassy confirming that you are qualified for visa on arrival?" 

Không có, trình bày một thôi một hồi, vẫn bị yêu cầu đứng sang một bên. Đến lượt, tôi lập tức trình luôn xác nhận của sứ quán và qua dễ dàng. Đi một đoạn, nghĩ thế nào tôi quay lại hỏi hai cô bị gạt ra xem họ người nước nào. Uganda. Trong danh sách mà tôi in ra, quả thực có Uganda. Đưa cho nhân viên hàng không tham khảo - vẫn lắc đầu. Có vẻ danh sách này không được đủ trọng lượng như thư xác nhận của sứ quán. 

Xuống đầu kia thì được chỉ vào Visa Office để điền form và đóng lệ phí. Không phải nộp ảnh (dù cũng đã chuẩn bị sẵn), phí visa cũng ko rẻ nhưng vẫn rẻ chán so với apply qua Tung Cửa: 1200 Namibian dollars/người (khoảng 1.8 triệu VND) mà chả đòi hỏi giấy tờ gì kể cả lịch trình tour. Tuy nhiên ko dán visa riêng mà chỉ có cái dấu đóng vào rồi viết tay (xem hình 2). Khi đóng dấu vào 2 trang trắng còn lại, cán bộ cửa khẩu có nhắc nhở: (lần này cho qua nhưng) lần tới, mày cần phải có ít 3 trang trắng trong hộ chiếu khi xin visa.

Cái quy định hộ chiếu cần mấy trang trắng này tôi thấy kha khá sứ quán yêu cầu, nhưng thực tế chả thấy ai quan tâm. Zimbabwe, Botswana, Nam Phi đều bảo phải còn tối thiếu 4 trang trắng, thậm chí có chỗ còn yêu cầu 2 mặt trắng đối nhau, nhưng khi dán/đóng dấu thì cứ tiện chỗ nào còn trống xử chỗ đó. Khi đôi Mỹ cùng đoàn xin dấu vào của Zimbabwe trình bày, yêu cầu đừng đóng dấu vào trang trắng vì sắp tới họ sẽ xin visa Ấn Độ mà theo hướng dẫn thì phải còn ít nhất 6 trang trắng, tôi mới bảo: bọn mày đừng lo. Visa Ấn Độ ở hộ chiếu cũ của tao dán vào trang cuối cùng luôn ấy.

Điều cuối cùng: hiểu biết về Việt Nam của cán bộ xuất nhập cảnh Namibia có khá hơn so với Zimbabwe một chút (xem status trước), vì biết Việt Nam ở Asia, nhưng lại hỏi thêm: "You are part of China right?" Khi tôi trả lời bọn tao là nước độc lập, cán bộ vẫn khăng khăng "But you speak Chinese?" "No, we speak Vietnamese." "But you understand Chinese?" "No, we don't" - cán bộ nhìn khá sốc vì sự thật phũ phàng cuối cùng này.

Một chút về chuyện đổi tiền: Đồng đô la của Namibia được tie to đồng rand của Nam Phi theo tỉ giá 1:1, nên khi quy đổi đều theo tỉ lệ 17 đồng ăn một USD. Tip dành cho ai đi Nam Phi: dùng thẻ tối đa cho mọi giao dịch, kể cả tip (nếu được) hoặc rút qua ATM vì đổi tiền mặt rất thiệt: tôi đổi 100 USD ở sân bay Johannesburg mà thấy tính nào fee, nào commission (đã fee lại còn commission), rồi lại 15% VAT, rốt cuộc từ 1700, nhận được tầm 1500, tỉ giá từ 1:17 thành còn 1:15. Nhưng bên sân bay Namibia thì hoàn toàn không mất bất kỳ một khoản phí nào, 100 USD được đúng 1700 NAD. Ngoài ra, tiền Nam Phi còn thừa có thể tiêu thẳng như tiền địa phương ở Namibia luôn (nhưng chiều ngược lại thì không được).

Đăng nhận xét

Mới hơn Cũ hơn