KHÁNH VÂN NAM VIỆN - số 269/2 Nguyễn Thị Nhỏ, phường 16 quận 11

Một buổi chiều tại KHÁNH VÂN NAM VIỆN 

Tọa lạc trong con hẻm đường Nguyễn Thị Nhỏ (số 269/2 Nguyễn Thị Nhỏ, phường 16 quận 11), Khánh Vân Nam Viện có nguồn gốc từ huyện Nam Hải, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc, được du nhập vào Sài Gòn – Chợ Lớn năm 1936. Đây là ngôi đạo quán hiếm hoi và lớn nhất miền Nam, là chùa duy nhất ở Việt Nam thờ đạo Lão, mang yếu tố tổng hợp của "tam giáo đồng nguyên": Nho giáo – Phật giáo – Đạo giáo.
Trà Sơn Khánh Vân Nam Viện do đạo trưởng Châu Hữu Hán (Châu Viêm) – nay đã mất, là trụ trì đời thứ ba kể từ năm 1968. Công việc hậu tự của chùa hiện do ông Châu Huê Bang, con trai cụ Châu Viêm đảm trách.

Lời ông Châu Huê Bang kể về hành trình đạo Lão du nhập vào Chợ Lớn: vào năm 1934, 12 đạo sĩ của Trà Sơn Khánh Vân Thượng Động tại huyện Nam Hải, Quảng Đông sang Hong Kong; đến năm 1936, 3 người trong nhóm sang Việt Nam đưa đạo Lão vào cộng đồng người Hoa ở Chợ Lớn và lấy tên là Khánh Vân Nam Viện. Cụm từ "Khánh Vân Nam Viện" được lý giải: nguồn gốc của chùa từ Khánh Vân Động, Nam là miền Nam Việt Nam, còn viện tương tự như chùa. Khánh Vân Nam Viện đến Việt Nam đầu tiên toạ lạc tại một ngôi nhà phố trên đường Trần Hưng Đạo mang tên Toàn Khánh Đường. Từ năm 1936 đến năm 1943, vị đạo trưởng đầu tiên là Trần Khải Minh trụ trì, từ năm 1944 đến năm 1968, đạo trưởng Âu Diệu Duyên kế tục và tiếp sau là đạo trưởng Châu Viêm. Từ khi du nhập vào Việt Nam, tín đồ theo đạo tăng dần, biệt thự Toàn Khánh Đường trở nên chật chội và đến năm 1942 chuyển về địa chỉ mới ở vị trí hiện tại là 269/2 Nguyễn Thị Nhỏ, phường 16 quận 11. Trước những năm 1950, người theo đạo Lão ở Khánh Vân Nam Viện chỉ là người Nam Hải, sau có thêm người Tiều, Phước Kiến và một số ít người Việt cũng gia nhập đạo theo hình thức tu tại gia, không có tu sĩ tại chùa. Các đạo trưởng của Khánh Vân Nam Viện vẫn giữ nguyên những nét tín ngưỡng truyền thống của Nam Hải Trà Sơn Khánh Vân Động từ ngày đầu du nhập đạo vào cộng đồng người Hoa ở Chợ Lớn. Những bộ kinh sách dạy cách làm người, các lối sống của đạo Lão, hành thiền… đều là kinh sách đưa từ Nam Hải sang và vẫn giữ nguyên không thay đổi. Nếu xét theo tên gọi trong đạo Lão, quy mô ngôi chùa lớn được gọi là động, sau là viện, nhỏ hơn nữa gọi là quán. Khánh Vân Nam Viện cũng duy trì những đặc trưng đồng nhất về kiến trúc so với Khánh Vân Động ở Trung Quốc, chùa được thiết kế chia theo từng lớp gồm sân, viện – nơi đặt tượng Vương Linh Quang hay còn gọi là Huyền Môn hộ pháp vương đại thiên quân – vị tướng bảo vệ giáo pháp trong đạo Lão, sau đó là chính điện, thờ Tam đế, Lữ tổ (Lữ Đồng Tân), bên gian phải chính điện thờ Huỳnh Đại Tiên, gian trái thờ Hoa Đà. Rất nhiều trong số các tượng này được đưa từ Trung Quốc sang. Theo kiến trúc nguyên bản của Khánh Vân Động gồm ba lầu, Khánh Vân Nam Viện khuyết đi một lầu, ông Châu Huê Bang lý giải: "Ban đầu lập viện, có tiền đến đâu xây đến đó, phần chánh điện ở lầu 1, lầu 2 thờ Lão tử, Phật tổ, Địa tạng, lầu 3 thờ Ngọc hoàng là Khánh Vân Nam Viện còn thiếu…". Hoành phi, câu đối trong Khánh Vân Nam Viện đều do các thư pháp gia nổi danh đề tặng. Ngay lối cổng vào phía chính điện là cặp liễn: "Khánh hạp nam thiên thành đạo quả – Vân hoàn viện vũ bảo linh quang" ghi từ năm dân quốc thứ 12. Hay bức hoành ghi từ tháng 5 năm Canh Thìn: "Khánh Vân Biệt Thự Toàn Khánh Đường – Nam Hải Trà Sơn Khánh Vân Động".
Thư viện của ngôi chùa còn lưu giữ những kinh sách của Lão giáo bằng Hán tự như quyển Thái Thượng cảm ứng tập, hay quyển Y đạo hoàn nguyên – đây là sách về y học và kinh Vô cực do Lữ Đồng Tân (một vị tiên trong Bát tiên) viết.

Đăng nhận xét

Mới hơn Cũ hơn