Du lịch Ai Cập - Egypt

Bđs và Du lịch (43)
Ai Cập - Egypt
Gõ Ai Cập trên Google ra ngay 223 triệu kết quả trong 0.46 giây! Quả là một trong những quốc gia nổi tiếng nhất quả đất! Có hằng trăm bài viết thú vị về đất nước có lịch sử 6.000 năm này. Dù không phải là nơi có nhiều kim tự tháp nhất, Ai Cập luôn huyền bí với hàng trăm Kim tự tháp mà nổi tiếng nhất là tổ hợp 9 kim tự tháp Giza Pyramids cùng với tượng Nhân sư Sphinx. 

Kim tự tháp gắn liền với các vị vua Ai Cập cổ đại, còn gọi là các Pharaoh. Thời cổ đại, Pharaoh là tất cả, là bầu trời, là sa mạc và tất cả những gì ở giữa chúng. Nổi tiếng nhất trong các Pharaoh là Ramesses II (tiếng Anh là Ramesses the Great) của Vương triều thứ 3, Khufu của Vương triều thứ 4, Tutankhamun của Vương triều thứ 18 (gọi là Vua Tut) và Cleopatra - Pharaoh cuối cùng, nổi tiếng xinh đẹp của Triều đại Ptolemy, trị vì từ năm 51 đến năm 30 trước Công nguyên. Hàng chục bộ phim như The Mummy, The Mummy Returns, The Scopion King, Cleopatra, Exodus: Gods and Kings…và hàng nghìn câu chuyện ly kỳ kiểu "nhìn lẻ một đêm" về các kim tự tháp, về những lời nguyền, về các Pharaoh, về cách họ trị vì Ai Cập, về chuyện tình của Nữ hoàng Cleopatra với 2 vị tướng lừng danh của La Mã cổ đại thời đó là Julius Caesar và Marcus Antonius sẽ giúp bạn hiểu hơn về đất nước có đến 2 Kỳ quan cổ đại. Trong đó Kim tự tháp Giza là kỳ quan duy nhất trong 7 Kỳ quan cổ đại của thế giới còn tồn tại. Ngọn Hải đăng Alexandria tại thành phố được đặt tên của Alexandria Đại đế, đã không thể tồn tại do 3 trận động đất từ năm 956 đến năm 1323. Phải nói thêm rằng Alexandria The Great là người xứ Marcedonia ngày nay, đã chinh phục Ai Cập và để lại dấu ấn mạnh mẽ tại đất nước này. Sau khi ông mất, tướng Ptolemy lên thay ông trị vì Ai Cập và để lại một di sản kéo dài đến Pharaoh cuối cùng của Triều đại Ptolemy - Cleopatra.

Đến Ai Cập, thật dễ để nhận ra thứ quan trọng nhất với đất nước này chính là con sông Nile. Sông Nile là con sông dài nhất thế giới (dài 6.650km. Cũng có thông tin Sông Amazon dài nhất) có thượng nguồn từ vùng hồ Victoria (đặt theo tên Nữ hoàng Anh Victoria) nằm giữa 3 nước Kenya, Tanzania và Uganda. Ba phụ lưu chính là sông Nile trắng, Nile xanh (bắt nguồn từ Ethiopia) và Atbara chảy qua 11 quốc gia châu Phi với Ai Cập ở hạ lưu trước khi chảy ra Biển Địa Trung Hải. Sông Nile cung cấp nước, cá tôm, là nơi định cư của hơn 100 triệu dân bám dọc theo đôi bờ. Nếu nhìn từ máy bay, màu xanh chỉ giới hạn rất hẹp theo dòng sông huyền thoại này, hai bên là mênh mông sa mạc. Sông Nile còn cung cấp cây cói hay cây dó (Papyrus) - loại cây mọc trên dòng sông và có vai trò vô cùng quan trọng trong đời sống và văn hóa Ai Cập. Từ thời cổ đại, các Pharaoh đã dâng hoa của loại cây này lên các vị thần. Cây có thể làm thực phẩm, làm lưới đánh cá, làm nón, quần áo, đan giầy, làm thuyền, bện dây và đặc biệt là làm giấy. Nhờ có loại giấy này mà người Ai Cập cổ đại ghi chép lại lịch sử, vẽ tranh và lưu giữ được chúng hàng ngàn năm. Đến sông Nile, bạn đừng quên thử đi thuyền ngược và xuôi dòng sông bằng thuyền buồm Fellucca, ngắm mặt trời lặn và thưởng thức trà truyền thống Karkadeh (trà hoa dâm bụt hibiscus) có màu hồng pha với đường trắng. Món ẩm thực phổ biến nơi đây là Mahshy và Koshary.

Ở Ai Cập, ngoài thăm Kim tự tháp Giza, thăm thành phố Alexandria với thư viện nổi tiếng cùng tên, thăm Kênh đào Suez, du khách quốc tế luôn muốn đến Thung Lũng Các Vị Vua (The Kings' Valley), Đền thờ Karnak, Đền thờ Luxor với Đại lộ tượng Nhân sư nằm trên bờ sông Nile tại thành phố của sắc mầu Luxor, cách Cairo khoảng 1 giờ bay về phía nam.

Một số điều thú vị khác về đất nước này:
Tất cả các Kim tự tháp, đền thờ, lăng mộ, nghĩa trang đều nằm ở bên bờ tây sông Nile. Người Ai Cập quan niệm hướng Tây là hướng của thần linh, của cái chết, hướng Đông là hướng của sự sống. Hầu hết làng mạc, đô thị đều nằm ở bờ Đông. Nếu làng mạc, đô thị nằm ở phái Tây cũng là các khu nghèo.

Thung lũng các Vị Vua được xây dựng trong khoảng thời gian gần 500 năm từ khoảng thế kỳ thứ 16 đến thứ 11 TCN. Tại sao các Pharaoh lúc đó lại không xây kim tự tháp nhân tạo như Giza trước đó hàng nghìn năm nữa? Có giả thuyết cho rằng các Pharaoh gian đoạn này tin nếu làm kim tự tháp sẽ gây chú ý và dễ bị xoi mói, thậm chí là trộm cắp, phá phách, không đạt được mục tiêu trở thành nơi yên nghỉ vĩnh hằng. Vì thế, các vị vua chọn khu vực Kings' Valley nằm sâu trong vùng núi đá vôi trên sa mạc làm các kim tự tháp tự nhiên để đặt các lăng mộ sâu trong lòng núi. Vừa không tốn kém cho việc xây dựng, vừa đảm bảo bí mật tuyệt đối. Đây thực sự là ý tưởng rất thực tế và thông minh lúc đó. Cho đến nay đã tìm ra trên 60 lăng mộ của các Pharaoh. Mỗi lăng mộ có hàng chục đường hầm giả để đánh lạc hướng. Có lăng mộ nằm sâu hàng trăm mét so với mặt đất. Riêng lăng mộ của vua Tut còn được đặt bên dưới lăng mộ của một Pharaoh khác nhằm giữ bí mật. Vậy mà, ngày nay đến thăm các lăng mộ, du khách chỉ có thể chiêm ngưỡng các trang trí, các hình vẽ con người, con vật hoặc nửa người, nửa vật, một số quách ngoài bằng đá nguyên khối. Xác ướp các Pharaoh và vàng bạc châu báu đều bị đánh cắp hoặc bảo quản không tốt nên không còn tồn tại. Một số khác đang nằm ở Bảo tàng Cairo, Bảo tàng ở Anh, Đức hay đâu đó trên trái đất này như một món cổ vật có giá trị. Duy nhất, xác ướp Vua Tut, vị Vua chết trẻ với vô vàn các giai thoại và lời nguyền "Kẻ nào phá rối giấc ngủ của ta, sẽ phải chết" là còn lại. Đến Bảo tàng Cairo, có riêng 1 gian phòng trưng bày các vật dụng bằng vàng, bạc, 1 lớp quách trong bằng vàng ròng nặng trên 100 kg và 1 lớp quách ngoài bằng gỗ được trang trí, chạm khắc tinh sảo, phủ vàng.

 Cách người Ai Cập đặt tên. Thành phần tên đầu tiên là tên mình, sau đó đến tên của bố, rồi đến tên của ông nội rồi mới đến họ. Vì thế tên đầy đủ của người Ai Cập rất dài.

An ninh ở Ai Cập luôn được thắt chặt để phục vụ ngành du lịch. Các khách sạn, resort, các địa điểm công cộng như siêu thị, vui chơi, khu đô thị mới, các địa điểm tham quan, công sở đều bắt buộc phải qua soi chiếu và chó ngửi. Riêng tại sân bay, thủ tục an ninh còn chặt chẽ hơn với 2-3 vòng soi chiếu, 2-3 vòng khai báo. Có những thủ tục khó hiểu là du khách được yêu cầu tự mình khai vào cuốn sổ viết tay các thông tin họ tên, số hộ chiếu, quốc tịch và ký tên. Việc như thế phải làm 2 lần ở sân bay Luxor. Vì vậy, nếu đến Ai Cập bạn nhất định phải ra sân bay trước 3 tiếng nếu không muốn trễ chuyến bay.

Một điều rất lạ nữa ở đất nước này là bạt nghàn nhà không hoàn thiện: không trát ngoài, nhiều nhà không có mái và cột sân thượng tua tủa thép! Nhìn nhà là biết nhà giàu nhà nghèo. Nhà hoàn thiện tức là chủ nhà giàu có. Chưa hoàn thiện là nghèo. Có mấy nguyên nhân dẫn đến việc này. Thuế với nhà hoàn thiện rất cao. Quân đội đang kiểm soát mọi thứ. Ở Cairo và 1 số thành phố lớn là do quân đội phát triển các dự án nhà ở và khu đô thị nên họ muốn người dân mua các sản phẩm do họ phát triển. Vì thế, việc người dân tự xây nhà đã bị đình chỉ hơn 2 năm qua. Lướt qua khu vực ngoại ô Cairo, vô số nhà không hoàn thiện, người dân thì sống trong những căn nhà không trát ngoài, những ngôi nhà không trát tầng 1 nhưng đã vào ở với cột bê tông trơ thép đang làm dở ở tầng hai hoặc các tầng trên. Ở vùng nông thôn, nhà không trát và dở dang vì người dân không đủ tiền đển làm 1 lúc, họ làm dần, có khi kéo dài cả chục năm đến khi con cái họ lớn, kết hôn và phát sinh nhu cầu thêm phòng trong cùng ngôi nhà đó. 

Một căn hộ tiêu chuẩn ở Cairo thường là 65-75 m2 với 2 phòng ngủ, 1 phòng khách kết hợp bếp, phòng ăn, 1 phòng vệ sinh. Nghèo đến đâu cũng phải mua điều hòa vì thời tiết nắng nóng khắc nghiệt. 

Ngày xưa, lạc đà là tài sản rất lớn đối với bất kỳ người dân Ai Cập nào. Chả thế mà có câu cửa miệng "If you have dream, dream to have a camel" (Nếu bạn có giấc mơ, hãy mơ có lạc đà). Giá 1 con lạc đà hiện khoảng 3.000 USD. Ngày nay, có lẽ giấc mơ của phần lớn người dân Ai Cập là Nếu bạn có giấc mơ, hãy mơ có một biệt thự ở khu nhà giầu Cairo mới! Tập đoàn Arab Developer Holding đang phát triển nhiều khu đô thị tích hợp đẳng cấp như Miracle City (Thành Phố Kỳ diệu) ở khu vực này.

Đây cũng là động lực để đôi bạn trẻ Ahmed Brakat và cô gái người Việt đã cải sang Đạo Hồi Quỳnh Anh chuẩn bị khởi nghiệp bằng việc thành lập một công ty du lịch để kết nối du khách Việt đến với đất nước của các Pharaoh. Quỳnh Anh là một trong 20 người Việt đang sinh sống tại Cairo và tiếng Anh rất tốt. Nếu các bạn đến Ai Cập, đây là địa chỉ tin cậy.

Đăng nhận xét

Mới hơn Cũ hơn