KINH NGHIỆM DU LỊCH ẤN ĐỘ

KINH NGHIỆM DU LỊCH ẤN ĐỘ
Mình mới đi Ấn Độ đợt nghỉ lễ 2/9 nên muốn chia sẻ lại một chút kinh nghiệm cho các bạn sắp đi. Nhóm mình có 3 người, đi Delhi - Agra - Jaipur - Jodhpur - Ajmer trong 10 ngày.
1. Cảm nhận chung
Mình thích Jodhpur và Ajmer vì thành phố nhỏ ít xô bồ hơn, còn Delhi - Agra - Jaipur thì mang tính thương mại cao, chi phí đắt đỏ và lừa đảo cũng nhiều hơn. Bản thân mình mới đến Delhi đã gặp nhiều chiêu lừa đảo ngoài đường: bảo là mày đến từ nước có dịch nên phải gặp nhân viên y tế khai báo xong chỉ ra nhân viên là một anh mặc áo da đeo kính đen như diễn viên Bollywood, bắt xe về khách sạn thì bị dẫn đến tourist office và yêu cầu mua giấy phép mới được vào nội thành vì khu đó hay có biểu tình… Những trò này nước nào nhiều khách du lịch cũng có, và cũng đã được chia sẻ trên mạng, các bạn nên tìm hiểu kỹ và cẩn thận từ chối khi có người tiếp cận đề nghị giúp đỡ mình ngoài đường. Đi Ấn cứ phải mang tâm lý phòng bị nên nhiều khi có người tốt muốn giúp thật cũng nghi ngờ họ, đến khổ 😊
2. Vé máy bay
Bọn mình bay Vietnam Airlines chiều Hà Nội - Delhi, giá vé vào khoảng hơn 4 triệu cũng tương đương vé Vietjet. Vì là đường bay mới mở nên bị hủy chuyến rất nhiều, các chuyến trước và sau hôm mình bay đều bị hủy hết. Các bạn cũng lưu ý là nhiều chuyến của VNA sẽ quá cảnh tại Sài Gòn, chỉ có một số bay thẳng Hà Nội. Ưu điểm của bay VNA là trong giá vé đã có sẵn hành lý ký gửi và bữa ăn, không phải mua ngoài như Vietjet.
3. Đổi tiền
Mình mua rupee ở Hà Trung giữa tháng 8/2022 thì tỷ giá tầm 320-330 VND/rupee, nếu các bạn có USD mang sang đổi thì sẽ được tỷ giá tốt hơn. Trong các chợ đều có quầy đổi tiền, mình đổi ở Delhi và Jodhpur thì 1 USD = 80 rupee, ở Jaipur và Agra thì được 78-79 rupee thôi. Các bạn nhớ hỏi kỹ xem có thuế phí gì không, cụ thể là tao đưa mày 100 USD thì mày đưa lại tao bao nhiêu rupee, và nhớ đếm kỹ tiền họ trả lại.
4. Mạng di động
Sim du lịch thông thường có hạn 28 ngày, được 1.5GB data, 100 tin nhắn và gọi không giới hạn mỗi ngày. Mua sim ở Ấn rất lằng nhằng vì cần có người có số ở đây đăng ký bảo lãnh, sau đó gọi lên tổng đài kích hoạt, quá trình này mất khoảng 1h.
Nghe nói mua sim ở sân bay giá 450 rupee, còn mình mua sim Airtel ở cửa hàng điện thoại trong thành phố Delhi thì giá là 500 rupee (chưa mặc cả). Hóa ra họ lại gọi một người khác đến bán và kích hoạt hộ, sau khi thành công thì trong tài khoản báo có 300 rupee thôi. Bạn mình vào Connaught Place mua ở đại lý chính hãng của Vi (Vodafone Idea) thì đúng giá 300 rupee nhưng đông khách nên chờ mất cả buổi chiều để kích hoạt. Ý kiến cá nhân của mình là sóng của Airtel tốt hơn của Vi.
5. Chỗ nghỉ
Đây là phần mình lên kế hoạch vất vả nhất khi đi Ấn vì trên booking thấy review toàn điểm cao, nhưng khi đọc kỹ thì fake rất nhiều, nhiều comment là ảnh thực tế không như ảnh mạng, nhân viên khách sạn lấy booking ID của khách tự vào chấm điểm cao... Ngoài ra sau khi đọc tầm 200++ cái review của 70+ khách sạn thì mình thấy review của dân Ấn khá định kiến, hoặc cho 10 điểm hoặc cho 1 điểm khi họ không hài lòng (theo tâm lý là đã bỏ tiền ra mua dịch vụ thì mọi thứ phải như họ muốn). Tốt nhất là các bạn đặt khách sạn đã có người trải nghiệm thực tế và recommend trên group, hoặc không thì cũng xem các khách sạn được nhiều người nước ngoài review và viết dài chút kèm ảnh chụp thực tế. Như các khách sạn mình ở thì cũng 50/50, có cái tốt có cái dở; một số comment nói khách sạn chỉ có nước máy vào những khung giờ nhất định, nhưng trong thời gian mình ở thì không bị như thế.
Theo mình thấy thì khách sạn ở Ấn giá đắt gấp rưỡi đến gấp đôi phòng cùng chất lượng ở Việt Nam, và đặt ở Delhi vừa đắt vừa khó, tầm 700k VND trở lên mới ở được. Delhi rất rộng nên cũng cần nghiên cứu kỹ vị trí để thuận tiện di chuyển. Paharganj là khu có mặt bằng giá khách sạn thấp nhất và tương đối gần ga tàu cũng như khu Old Delhi là nơi có nhiều điểm tham quan như Red Fort… nhưng đây là khu chợ lao động nên rất xô bồ và cũng nhiều khách sạn fake review. Khu nhà giàu hơn (và giá cao hơn) thì nằm phía dưới Connaught Place và South Delhi, cách khá xa Old Delhi nhưng tiện hơn nếu bạn muốn đi Qutb Minar Complex, Lotus Temple, Akshardham Temple…
Một lưu ý nữa là giá trên booking chưa bao gồm thuế GST, vào khoảng 12% giá phòng.
6. Di chuyển giữa các thành phố
Mình di chuyển giữa các thành phố bằng xe buýt hoặc tàu. Lịch trình xe buýt nhanh hơn và có nhiều chuyến đêm hơn, dù giờ giấc hơi lỡ cỡ, xuất phát tầm 10h tối và 5h30 sáng đã đến nơi rồi. Đi tàu thì thoải mái hơn nếu bạn không đặt hạng rẻ tiền quá, và lịch tàu hầu như đúng giờ (mình đi 4 chuyến tàu thì chỉ có 1 chuyến chậm 20 phút). Mình có thử đi xe buýt đêm 1 lần thì xui xẻo bị hỏng xe giữa đường và phải chờ gần 2h sau có xe khác đi qua để nhồi hành khách lên như nhồi vịt, từ đó mình không đi bằng xe buýt nữa. Tuy vậy xe giường nằm ở Ấn khá xịn, có khoang riêng với cửa kéo và ổ cắm điện.
Các bạn có thể lên makemytrip để xem lịch và giá vé tàu xe của Ấn, nhưng muốn tạo tài khoản phải có số điện thoại ở Ấn, xong rồi đến đoạn thanh toán lại phải có thẻ phát hành ở Ấn (thẻ quốc tế do ngân hàng VN phát hành không được chấp nhận) nên là phần lớn mình nhờ chỗ nghỉ đặt và bị họ lấy thêm phí dịch vụ. Nếu muốn tự đặt thì có thể dùng trang 12go.asia nhưng giá niêm yết cao hơn makemytrip nhiều, chưa kể mất thêm chi phí tỷ giá do quy đổi ngoại tệ.
7. Di chuyển trong thành phố
Nhìn chung cước di chuyển trong thành phố ở Ấn thấp hơn so với ở VN. Phương tiện thông dụng nhất là xe lam (từ chuẩn bên này là auto rickshaw hoặc gọi tắt là auto, nhưng bạn nói tuktuk người ta cũng hiểu). Giá họ chịu đi vào khoảng 35-50 rupee/km sau khi đã mặc cả (nhưng mình đọc một số post trên group thì hợp lý chỉ 15 rupee/km). Một cái xe tuktuk ngồi vừa 3 người băng ghế sau, còn chở dân Ấn thì mình thấy 6-7 người vẫn vừa…
Để đỡ mất công mặc cả thì bạn cài app Uber hoặc Ola, nhiều khi đặt tuktuk qua app không ai nhận thì đặt car cũng được, vẫn rẻ và ngồi thoải mái hơn, lại không phóng nhanh vượt ẩu (nói vậy chứ mình thấy đi tuktuk trải nghiệm thú vị và vào ngõ ngách dễ dàng hơn). Giá trên Ola khá sát với giá mình đã mặc cả ở trên, trong khi Uber thì rẻ bằng một nửa (sát giá các bạn khác chia sẻ) nên mình thấy Uber đáng dùng hơn. Ngoài ra nếu bạn đã tạo tài khoản Uber từ trước thì nên cài lại app ở VN, sang đó không cần sim vẫn mở ra bình thường, có điều lái xe sẽ khó liên lạc với bạn. Ola thì là app của Ấn nên để đăng ký bắt buộc phải có số điện thoại.
8. Ăn uống
Nhóm mình không ăn nhiều và cũng không ngồi chỗ đắt tiền quá, chi phí chia đầu người thì nhà hàng khu nhiều khách du lịch vào khoảng 350 rupee, nhà hàng gần khu chợ và nhiều dân địa phương ăn hơn khoảng 200 rupee, còn street food hoặc quán ăn bình dân trong chợ thì ăn no có khi chỉ 100 rupee. Thuế GST cho ăn uống tổng cộng là 5%, một số nhà hàng có thêm service charge 10%.
Đồ của Ấn nhìn chung là cay và mặn, hầu như không rau xanh (họ hay ăn kèm hành tím vắt chanh, còn nếu gọi green salad thì sẽ có thêm vài lát dưa chuột, cà chua, cà rốt sống). Một số món phổ biến bao gồm:
- Biryani: cơm rang có thìa là và nghệ, kèm thịt gà, cừu hoặc rau
- Naan/Roti: các loại bánh mỳ của Ấn
- Thali: là một khay đồ ăn gồm bánh mỳ, cơm, rau xào, nhiều loại sốt cà ry, tráng miệng…
- Kebab: thịt cừu hoặc gà nướng kiểu thịt xiên nướng ở VN. Nên hỏi kỹ nhà hàng vì nhiều khi mình gọi kebab và họ cho ra món thịt đã nướng thật nhưng thả vào sốt cà ry…
- Tandoori: gà nướng lò đất
- Lassi: sữa chua uống, bán nhiều ngoài đường
- Kulfi: sữa đông, ăn ấm thì giống bánh sữa còn ăn lạnh thì như kem. Tuy nhiên sữa ở Ấn Độ chưa qua tinh chế nên vẫn còn váng sữa, ăn vị hơi gây gây.
9. Vé tham quan
Các thành phố mình đi nhiều pháo đài, lăng tẩm và giá vé tương đối cao (giá cho người nước ngoài đắt hơn nhiều lần so với cho dân Ấn). Đắt nhất là Taj Mahal - 1300 rupee, các địa điểm hoành tráng khác cũng 500-600 rupee. Theo mình thấy thì mặt bằng giá vé ở Delhi là cao nhất trong khi kiến trúc cũng không đặc sắc hơn các thành phố còn lại. Một số điểm sẽ được giảm giá nếu bạn xuất trình thẻ sinh viên (không cần có tiếng Anh trên thẻ nhưng bạn nhớ yêu cầu vé sinh viên), đôi khi lên đến 50%.
Các bạn cũng nhớ xem kỹ giờ tham quan, ví dụ Taj Mahal đóng cửa thứ 6. Một số điểm ở Delhi đóng cửa thứ 2.
10. Mặc cả
Đây có lẽ là tiết mục mất thời gian nhất và căng thẳng nhất ở Ấn. Các bạn cứ mạnh tay trả giá còn 1/2, vì có khi 1/3 vẫn chưa đúng giá…
Ví dụ mình đặt tuktuk đi một vòng mấy điểm nổi tiếng ở Jaipur (vé tham quan tự mua), gặp ngoài đường họ chào 1000 rupee, mình chưa đi ngay mà lấy số điện thoại liên lạc đã. Tối đó họ gọi lại báo chào nhầm, giá đúng là 1500 nhưng giảm cho mình còn 1200. Mình bảo để sáng hôm sau mới quyết. Qua hôm sau họ đồng ý 1000, mình lại bảo đó là giá nguyên ngày, còn nửa ngày thì nửa giá thôi chứ. Đôi co một lúc chấp nhận giá 700. Sau hỏi dân địa phương thì họ bảo đúng giá chỉ 500. Mà đi hết các điểm mình muốn xong họ còn chở vào mấy chỗ bán vải bán đồ lưu niệm để ăn hoa hồng, dù mình đã phản đối.
Những đồ có thể mua ở Ấn bao gồm trà, hoa nghệ tây saffron, gia vị masala, hoa quả, chà là. Còn giá thì mình không nêu vì chắc là mua hớ rất nhiều 🤣. Ở Amer Fort lúc mình bắt đầu đi về từ đỉnh đồi có người ra chào bán con voi gỗ 1500 rupee, xuống đến chân đồi họ tự hạ xuống 150 rupee chưa cần mình trả giá.

*** Mình không post được ảnh vì bị FB cho là spam, các bạn chịu khó đọc chay vậy ***

Đăng nhận xét

Mới hơn Cũ hơn